Trong khu vực các nước Châu Á- Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục của những nước được cho là theo mô hình giáo dục “Khổng giáo” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Việt Nam. Ngoại trừ Bắc Triều Tiên và Việt Nam, phần lớn những hệ thống giáo dục trên biểu hiện sự năng động đặc biệt trong việc phát triển những mô hình giáo dục đặc sắc mà phần nào hiệu quả hơn so với các hệ thống ở Bắc Mỹ hay ở Châu Âu – nơi ươm mầm ý tưởng về trường đại học hiện đại (Marginson, 2011). Bài viết tóm tắt một số đặc điểm của nền giáo dục đại học tiên tiến của các nước Đông Á theo mô hình Khổng Giáo như Nhật Bản, Hồng Kông hay Singapore, và so sánh Việt Nam trong mối tương quan với các nước cùng chung tư tưởng Khổng giáo. Bài viết nêu một số điều kiện để nền giáo dục Việt Nam có thể “trỗi dậy”, đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt trong cuộc sống, trong đó có giáo dục Đại học.
Nền kinh tế tri thức các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Việt Nam nằm trong khung vực các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương với sự chênh lệch lớn giữa các nước xét về GPD, tỉ lệ chi tiêu công cho giáo dục, tỉ lệ sinh viên tham gia học đại học và số lượng các bài báo xuất bản quốc tế (Marginson, 2011). Xét về năng lực kinh tế tri thức toàn cầu, các quốc gia khu vực này có thể chia thành bốn nhóm: (i) nhóm nền kinh tế tri thức phát triển cao, hay các nước phương Đông đang “trỗi dậy”; (ii) nhóm các nền kinh tế tri thức mới nổi trung bình, hay các nước phương đông “đang trỗi dậy”; (iii) các nền kinh tế tri thức mới nổi kém phát triển hơn, sự “trỗi dậy” chậm và không chắc chắn; và (iv) các nền kinh tế tri thức chậm phát triển (Marginson, 2011). Trong bốn nhóm kể trên, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ ba, đứng dưới các nước trong khu vực như Singpore, Thái Lan, Malaysia và Myamar, Lào và Campuchia. Điều đáng lưu ý là hầu hết các nước châu Á chịu ảnh hưởng bởi Khổng giáo đều được xếp vào nhóm “đã” và “đang trỗi dậy” trong mức độ năng lực kinh tế tri thức toàn cầu, ngoại trừ Việt Nam và nước Bắc Triều Tiên đang ở thế cô lập.

Giáo dục ở các quốc gia chịu ảnh hưởng Khổng giáo
Theo giáo sư Marginson (2011), mô hình Khổng giáo được cấu thành bởi bốn yếu tố có tác động phụ thuộc lẫn nhau:
- (i) nhà nước quyết định tổ chức, phân bổ kinh phí và các chính sách ưu đãi;
- (ii) xu hướng tiến tới phổ cập giáo dục đại học, một phần do đóng góp kinh phí từ dân ngày càng tăng;
- (iii) kỳ thi quốc gia mang tính tập trung, có tính điều tiết việc cạnh tranh và phân cấp các trường đại học;
- (iv) tăng cường đầu tư công cho nghiên cứu, hướng tới các trường đại học “đẳng cấp thế giới”.
Vậy mấu chốt thành công trong việc xây dựng nền kinh tế tri thức của các quốc gia được xếp vào nhóm tiên tiến là gì? Theo giáo sư Marginson (2011), những nước như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc đã tạo ra một mô hình giáo dục đại học vừa kết hợp giữa truyền thống Khổng giáo tôn trong giáo dục và học thuật, trên cơ sở nghiên cứu nhằm bắt kịp khoa học kỹ thuật hiện đại của phương Tây. Tuy nhiên, những mô hình giáo dục đại học ở những quốc gia Đông Á tiên tiến này không đơn thuần là sự thích nghi đơn giản, hay sự nối liền Khổng giáo với mô hình hiện đại hóa của phương Tây. Đó là sự kết hợp giữ cũ và mới, Đông và Tây – một sự khác biệt theo hướng hiện đại hóa tư tưởng Khổng giáo trong nền kinh tế tri thức (Marginson, 2011).
Để làm được điều này, các quốc gia Đông Á tiên tiến đã chú ý phát triển nghiên cứu và học thuật trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn song song với sự phát triển khoa học công nghệ. Các quốc gia này đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu, cho phép sự thành lập những khu vực sáng tạo tự chủ. Họ hỗ trợ, đảm bảo các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu được tự chủ và duy trì sự năng động trong việc học tập, sản xuất tri thức và liên kết toàn cầu. Theo xu hướng đó, trình độ giáo dục và cơ sở hạ tầng nghiên cứu trên toàn bộ Đông Á và Singapore sẽ vươn tới Tây Âu trong vòng một thế hệ (Marginson, 2011).
Tóm lại, để “trỗi dậy”, các quốc gia Đông Á đã nhìn nhận được giá trị của di sản Nho giáo hay tư tưởng Khổng tử trong thực hành giáo dục đại học ở nhiều cấp độ. Theo tiến sỹ Ngô Thanh Hà (2020), ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo thể hiện qua việc nhà nước các quốc gia Đông Á đóng vai trò là cơ quan trợ cấp và phương tiện chính cho quốc gia phát triển. Ở cấp độ cá nhận, do ảnh hưởng của Khổng giáo, người dân Đông Á luôn ở trong tâm thế sẵn sàng đầu tư cá nhân vào giáo dục đại học. Bằng cách này, các quốc qua đã phát huy tối đa được điểm mạnh của ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo với cam kết đâu tư cho giáo dục của gia đình và toàn xã hội cho giáo dục là rất lớn.
Tư tưởng Khổng giáo ở Việt Nam
Tư tưởng Khổng giáo (hay còn gọi là Nho giáo) đã trải qua hơn 2500 lịch sử và có ảnh hưởng trên nhiều phương diện cuộc sống người dân các nước phương Đông trong đó có Việt Nam. Tư tưởng Khổng giáo vừa có ảnh hưởng tích cực vừa có những mặt hạn chế nhất định đối với đao đức, văn hóa và giáo dục ở Việt Nam. Theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Mai, những chuẩn đạo đức chủ yếu của Khổng giáo như tam cương (quan hệ vua-tôi, cha-con, chồng-vợ) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) là tiền đề cho xã hội được ổn định, trật tự. Tuy nhiên, sự giáo dục và áp dụng cứng nhắc các tư tưởng Khổng giáo đã dẫn đến tư duy giáo điều, bảo thủ, và hành động theo khuôn mẫu một cách thụ động. Một vấn đề nữa là Khổng giáo nhấn mạnh vào phương diện đạo đức nhưng chưa hướng tới sự phát triển con người toàn diện. Các giai cấp thống trị trong nhiều trường hợp sử dụng Nho giáo để duy trì quyền lực và phân biệt đẳng cấp qua việc gò ép người dân vào khuôn khổ đạo đức mà chính quyền đặt ra (Phan Mạnh Toàn & Doãn Thị Chín, 2012). Trong quản lý giáo dục, việc các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu giáo dục không nhất quán giữa các giá trị Khổng giáo và tư tưởng phương Tây đã gây ra mâu thuẫn, áp lực, kỳ vọng và trọng trách quá lớn cho các thầy cô, học sinh và các nhà quản lý giáo dục phía cơ sở (Ngô Thanh Hà và cộng sự, 2021).
Cũng giống như các quốc gia theo mô hình Khổng giáo, Việt Nam có sẵn truyền thống tôn sư trọng đạo, và tỉ lệ cao người dân tự nguyện đầu tư vào giáo dục. Việt Nam còn là quốc gia có năng lực quân sự đáng gờm và tỉ lệ tương trưởng kinh tế ở mức cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để trở thành một nền giáo dục tiên tiến, Việt Nam cần khắc phục yếu kém trong vấn đề hoạch định và triển khai các chính sách giáo dục. Theo Giáo sư Marginson (2011), so với các nước theo mô hình Khổng giáo có hệ thộng giáo dục đại học tiên tiến, Việt Nam có điểm chung là mức đầu tư cho giáo dục của các hộ gia đình gia tăng, và hệ thống thi cử phổ quát (universal examinations). Tuy nhiên, Việt Nam thiếu hai điều kiện để trở thành mô hình giáo dục Khổng giáo tiên tiến, đó là: (i) thiếu sự chỉ đạo bền vững từ nhà nước và (ii) thiếu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nghiên cứu.

Cơ hội cho giáo dục đại học thời kỳ (hậu) COVID-19
Có nhiều vấn đề về chính sách giáo dục cần phải giải quyết. Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển kinh tế như hiện nay, việc Việt Nam lựa chọn mô hình Khổng giáo cho nền kinh tế tri thức chỉ là vấn đề thời gian (Marginson, 2011). Đặc biệt với sự bùng phát của đại dịch Coronavirus (COVID-19) vào đầu những năm 2020, giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đứng trước những mối lo cũng như cơ hội để phát triển giáo dục đại học. Sốc kinh tế cấp quốc gia, giãn cách xã hội, hay việc đóng cửa các cơ sở giáo dục chỉ là một số thực tế phổ biến trên toàn thế giới (Agasisti & Soncin, 2021). Sự xuất hiện của Covid đã gieo rắc nỗi sợ hãi, nghi ngờ nhưng nó cũng khơi dậy hy vọng cho những người tham gia vào giáo dục đại học toàn cầu.
Đại dịch đã trở thành động lực cho hệ thống giáo dục đại ở một số quốc gia thay đổi theo hướng bền vững hơn (Ferguson, 2020). Ví dụ, ở Ý, trường hợp khẩn cấp Covid đã chuyển tư duy của các nhà hoạch định chính sách ở đó từ việc coi nghiên cứu là “chi phí” sang “đầu tư” cho một nền kinh tế bền vững hơn (Agasisti & Soncin, 2021, tr. 89). Ở đó có sự gia tăng khoản đầu tư cho các hoạt động cho các học giả nghiên cứu về giáo dục đại học và học giả, trái ngược với giảm chi tiêu quốc gia cho giáo dục đại học ở Ý trước đây (Agasisti & Soncin, 2021). Đại dịch đòi hỏi một sự thay đổi trong quản trị giáo dục đại học, yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn về thể chế dưới nhiều hình thức khác nhau dành cho sinh viên và giảng viên để vượt qua những trở ngại trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu về đại dịch (Agasisti & Soncin, 2021; Kirschenbaum, 2020; Norman et al., 2020; Ramlo, 2021). Cuộc khủng hoảng Covid, được nhìn nhận từ các lăng kính tích cực, là cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học học cách không chỉ “hiệu quả hơn”, “lành mạnh về mặt tài chính” (Miller, 2021, p. 92) mà còn theo hướng “bao trùm” (“inclusive”), “bình đẳng” và “công bằng” (Eringfeld, 2021, tr. 148).
Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự gia tăng về nhu cầu giáo dục đại học, mong muốn được nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng khan hiến trong thời kỳ COVID-19. Ở Anh, nhu cầu sinh viên trong nước và quốc tế đều gia tang, với tuyển sinh quốc tế tang 7% trong giai đoạn 2020-2021 bất chấp đại dịch (Marginson, 2021). Cũng theo giáo sư Marginson (2020), khả năng các quốc gia Anh, Mỹ và Úc sẽ phục hồi chậm hơn sau đại dịch so với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nên khả năng lưu lượng quốc tế sẽ dịch chuyển sang các nước Đông Á là rất cao. COVID-19 đã tạo ra cơ hội thu hút sinh viên đại học trong nước và quốc tế không chỉ cho các nước Đông Á mà còn cho Việt Nam.
Điều kiện nào để Việt Nam “trỗi dậy”?
Ước tính mỗi năm người Việt chi 3-4 tỉ USD[1] cho du học, nếu Việt Nam có thể tạo ra nền giáo dục đại học chất lượng và điều kiện học tập thuận lợi thì có thể thu hút lượng lớn sinh viên đầu tư cho giáo dục đại học trong nước. Trước những thách thức của thời đại, đặc biệt là trong và hậu COVID-19, nhà nước Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi quản trị giáo dục đại học theo hướng hiệu quả, cân bằng và bền vững hơn. Đây là lúc nhà nước, các cơ quan quản lý giáo dục và các nhà thực hành giáo dục nên cùng nhau xem xét lại những hạn chế trong công tác quản lý giáo dục đại học.
Thực tế cho thấy những mâu thuẫn tiềm tàng và các vấn đề trong việc ồ ạt áp dụng những mô hình giáo dục hiện đại của phương Tây mà không tính đến giá trị và mâu thuẫn thực tiễn giáo dục bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng và lối tư duy phương Đông (Ngô Thanh Hà, 2020). Để giải quyết những vấn đề thực tiễn, nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích và đầu tư nhiều hơn vào phát triển các ngành khoa học xã hội và nghiên cứu giáo dục theo hướng cơ bản và ứng dụng. Để có thể phát huy tri thức dồi dào từ cán bộ giảng viên và sinh viên, các cơ sở giáo dục cần được tạo điều kiện để nâng cao cơ sở hạ tầng, điều kiện nghiên cứu như hệ thống thư viện, nguồn tài liệu nghiên cứu dồi dào, cập nhật để các bên có thể trao đổi chuyên môn để giảng viên sinh viên đại học có thể tự nghiên cứu và sáng tạo. Nhà nước và Bộ giáo dục có thể tổ chức mời các bên cùng tham đối thoại về mục đích, mục tiêu giáo dục dựa trên tư tưởng, triết học giáo dục phù hợp với con người và bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam. Ví dụ các cuộc trao đổi về những ảnh hưởng và sự phù hợp giữa các luồng tư tưởng giáo dục phương Tây, phương Đông hay tư tưởng Khổng Tử trong thực tiễn giáo dục cần được đưa ra xem xét dưới góc nhìn đa chiều của các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu giáo dục, các cấp quản lý nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh. Các cuộc thảo luận mở với tình thần cầu thị hi vọng sẽ mở ra các góc nhìn đa chiều về mục tiêu, định hướng giáo dục, tránh việc đưa ra những quyết định mang tính một chiều, gây lãng phí và kém hiệu quả trong thực tiễn giáo dục. Về lâu dài, nên đưa triết học, khoa học xã hội, khoa học giáo dục vào vào nhà trường, đặc biệt là các trường sư phạm. Trong việc giảng dạy môn triết học trong trường đại học, không chỉ truyền dạy tư tưởng triết học Mác Lênin mà có thể gợi mở sinh viên các cơ hội tìm hiểu tư tưởng triết học phương Đông, phương Tây. Từ đó sinh viên và các nhà lãnhđạo tương lai có cái nhìn đa chiều, tư duy phân tích, và sáng tạo thực tiễn dựa trên kết hợp tinh hoa truyền thống và những điều kiện tiên tiến của thời đại mới.
[1] Theo báo Tuổi Trẻ Online ( 2018)
Lời kết
Việt Nam có thể học hỏi được gì từ nền giáo dục các nước Đông Á tiên tiến? Sức mạnh tiềm tàng hay quyền lực mềm của Việt Nam là gì? Liệu sự kết hợp giữa cũ và mới, Đông và Tây theo hướng hiện đại hóa tư tưởng Khổng giáo trong nền kinh tế tri thức có phải là hướng đi cho việc phát triển giáo dục đại học Việt Nam? Để trả lời các câu hỏi này, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần một tầm nhìn minh triết bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc thực tế giáo dục, một kế hoạch hành động có chiến lược là kết quả từ sự trao đổi bền chặt của các bên liên quan, và một ý chí quyết tâm vững chắc bắt nguồn từ khát khao mang lại những giá trị tốt lành cho thế hệ trẻ tương lai giáo dục Việt Nam. Nói tóm lại, tương lai giáo dục Việt Nam có khởi sắc hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, kế hoạch, ý chí, khát khao và hành động của chúng ta ngày hôm nay.