Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Bích Diệp, Phan Lê Thanh Hương, Phùng Thị Đức
Giáo dục thế giới đang tích cực chuyển mình để đáp ứng những yêu cầu và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một trong những năng lực cần thiết mà người học cần có để trở thành công dân thế kỷ 21 là năng lực liên văn hóa. Ở Việt Nam, năng lực liên văn hóa là một khái niệm còn rất mới mẻ và chủ yếu mới chỉ được chú trọng ở bậc đại học. Ở cấp phổ thông, năng lực liên văn hóa đã bắt đầu được đưa vào Chương trình Giáo dục Phổ thông mới 2018, áp dụng cho khối Lớp 1 từ năm học 2020-2021 vừa qua. Tuy nhiên, việc giảng dạy và phát triển năng lực này cho học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu định hướng rõ ràng cho nhà trường và hướng dẫn cụ thể cho giáo viên. Trong bài viết này, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất đổi mới hướng tiếp cận giúp nhà trường và giáo viên thực hiện mục tiêu trên một cách dễ dàng và có hệ thống hơn.

Đặt vấn đề
Hiện nay, các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới đang nỗ lực chuyển đổi để bắt kịp với tốc độ toàn cầu hóa của thế kỷ 21, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo lực lượng lao động tương lai. Với khả năng dịch chuyển linh động như hiện nay, những công dân, người lao động của tương lai không chỉ cần những kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu mà còn cần các năng lực giúp họ linh hoạt di chuyển, thích nghi, sống và làm việc hiệu quả trong nhiều môi trường khác nhau, cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy, khái niệm “Kỹ năng thế kỷ 21” đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn và nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục.
“Kỹ năng thế kỷ 21” là khái niệm dùng để chỉ bộ kiến thức, kỹ năng, thói quen làm việc và đặc điểm tính cách giúp người học có thể phát triển và đạt được thành công trong thế giới hiện đại. Trong bộ kỹ năng này, “năng lực liên văn hóa” (intercultural competence) hay “tư duy liên văn hóa” (intercultural mindedness) được nhắc đến ngày càng nhiều bởi nó giúp cho người học có được khả năng tương tác hiệu quả với những người đến từ các nền văn hóa khác, nhận thức về sự kết nối toàn cầu và trách nhiệm chung đối với sự bền vững của cuộc sống trên Trái đất. Nói cách khác, tư duy và năng lực liên văn hóa là hành trang thiết yếu để những người trẻ tuổi trở thành những công dân địa phương và toàn cầu có trách nhiệm. Điều này có thể đạt được khi người học tổng hợp kiến thức, kỹ năng liên văn hoá của mình, của người khác và từ xã hội, và dung hòa các điểm khác biệt giữa các nền văn hoá.
Năng lực liên văn hoá được thế giới nhìn nhận là một năng lực quan trọng trong xã hội hiện đại và đã được nghiên cứu, giảng dạy ở các nước phát triển trên thế giới từ giữa thế kỷ trước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kỹ năng này còn hết sức mới mẻ, chủ yếu chỉ được đưa vào các trường đại học ngoại ngữ gần đây. Nhiều nghiên cứu thậm chí chỉ ra rằng, năng lực này cần phải được trang bị và bồi dưỡng cho học sinh ngay từ các cấp học đầu tiên (thay vì đợi đến bậc đại học) [1] thông qua việc tăng cường dạy kỹ năng và các hoạt động mang tính quốc tế hoá được lồng ghép bài bản và nhất quán xuyên suốt chương trình giảng dạy.
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018
Một trong những cải cách giáo dục đáng chú ý gần đây là việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018), trong đó năng lực liên văn hóa được thể hiện khá rõ nét. Chương trình này được Bộ GD&ĐT công bố ngày 27/12/2018 và chính thức áp dụng từ năm học 2020-2021, bắt đầu từ khối lớp 1 với lộ trình dự kiến đến năm học 2024-2025 sẽ hoàn tất việc áp dụng cho tất cả các khối lớp [2]. Trong chương trình này, năng lực liên văn hóa là yếu tố cốt lõi của năng lực hội nhập quốc tế, cụ thể là:
- Đối với cấp tiểu học: Có hiểu biết ban đầu về một số nước trong khu vực và trên thế giới; Biết tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế theo hướng dẫn của nhà trường.
- Đối với cấp trung học cơ sở: Có hiểu biết cơ bản về quan hệ giữa Việt Nam với một số nước trên thế giới và về một số tổ chức quốc tế có quan hệ thường xuyên với Việt Nam; Biết tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương.
- Đối với cấp trung học phổ thông: Có hiểu biết cơ bản về hội nhập quốc tế; Biết chủ động, tự tin trong giao tiếp với bạn bè quốc tế; biết chủ động, tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương; Biết tìm đọc tài liệu nước ngoài phục vụ công việc học tập và định hướng nghề nghiệp của mình và bạn bè. [2]
Ngoài ra, chương trình mới cũng chỉ rõ người học cần đạt được các phẩm chất “nhân ái, yêu quý mọi người, tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người”. Đây chính là những đặc điểm quan trọng của năng lực liên văn hóa.
Tuy mới chỉ được thực hiện đối với khối lớp 1 trong năm học 2020-2021, nhưng theo đánh giá của nhóm tác giả Lương Việt Thái [3], các yếu tố của giáo dục công dân toàn cầu, trong đó có năng lực liên văn hóa, mang tính chất “xuyên môn” và vì thế có thể giảng dạy thông qua nhiều hoạt động học tập. Mỗi môn học, cho dù là Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên hay Giáo dục công dân, cũng đều có những ưu thế riêng góp phần phát triển học sinh trở thành những công dân toàn cầu. Đặc biệt, phát triển năng lực liên văn hóa đòi hỏi sự kết hợp giữa chương trình chính khóa (formal curriculum, bao gồm các môn học trên lớp) và chương trình ngoại khóa (informal curriculum, bao gồm các hoạt động bổ trợ). Việc đưa các hoạt động trải nghiệm thành một yêu cầu bắt buộc ở cả ba cấp học như tinh thần của CT GDPT 2018 hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho học sinh giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề trong thực tiễn thông qua các hoạt động giao lưu trong và ngoài nước.
Một điểm quan trọng của CT GDPT 2018 là chương trình mở, theo đó nhà trường và giáo viên được trao nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình triển khai dạy và học. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các giáo viên cần được trợ giúp nhiều hơn trong việc xây dựng nội dung và lựa chọn phương pháp giảng dạy để việc lồng ghép những hiểu biết, kỹ năng liên văn hóa trong mọi môn học trở thành một hoạt động “bình thường mới” trong giảng dạy. Ở giai đoạn ban đầu này, chúng tôi thiết nghĩ việc tham khảo bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới sẽ góp phần giúp giáo viên Việt Nam đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp thực hành nhằm phát triển năng lực liên văn hóa cho học sinh.
Kinh nghiệm quốc tế
Năng lực liên văn hóa đã được nhiều nước trên thế giới chú trọng phát triển, không chỉ ở bậc đại học mà còn ở các cấp phổ thông. Ví dụ như ở Úc, năng lực liên văn hóa được quy định rõ ràng là một mục tiêu chính của chương trình học phổ thông, là một trong số 7 nhóm năng lực mà học sinh cần được phát triển để có thể thành công trong công việc và cuộc sống ở thế kỷ 21 [4].
Trong Chương trình giảng dạy của Úc, học sinh phát triển năng lực liên văn hóa khi học cách đánh giá văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của chính mình và của người khác. Học sinh hiểu được bản sắc của mình và đất nước mình cũng như bản chất đa dạng và biến đổi của văn hóa. Cụ thể, học sinh được tìm hiểu và tương tác với các nền văn hóa khác nhau để rút ra những điểm giống và khác biệt, tạo kết nối với người khác và nuôi dưỡng sự tôn trọng lẫn nhau. Trong bối cảnh của Úc, năng lực liên văn hóa được coi là vô cùng quan trọng vì mục tiêu tăng cường mối quan hệ với cộng đồng Thổ dân và Cư dân eo biển Torres cũng như với các nước láng giềng Châu Á. Các phẩm chất như ham tìm hiểu, quan tâm, đồng cảm, tôn trọng, có trách nhiệm, tư duy cởi mở và phản biện giúp phát triển năng lực liên văn hóa và ngược lại.
Một nét nổi bật trong cách tiếp cận giáo dục năng lực liên văn hóa ở Úc là năng lực này được lồng ghép xuyên suốt chương trình học từ lớp tiền tiểu học đến hết chương trình phổ thông bắt buộc (hết lớp 10). Năng lực liên văn hóa được đưa vào giảng dạy và phát triển trong tất cả môn học phổ thông của Úc với các mức độ khác nhau, bao gồm Ngoại ngữ, Nghệ thuật, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục công dân, Kinh tế học và Kinh doanh, Giáo dục thể chất, Văn học, Công nghệ, Khoa học, Toán học, và Định hướng nghề nghiệp. Đối với mỗi môn học, Cơ quan Báo cáo, Đánh giá và Chương trình giảng dạy của Úc (The Australian Curriculum, Assessment and Reporting Authority – ACARA) đưa ra những mô tả cụ thể năng lực liên văn hóa được thể hiện như thế nào trong môn đó.
ACARA thậm chí còn ban hành bản mô tả chi tiết các năng lực phẩm chất và các cấp bậc (levels) giáo viên thực hiện sao cho đồng nhất trong cả hệ thống phổ thông. Mỗi năng lực thành phần đều được chia ra 6 cấp độ, trong đó cấp độ 1-4 dành cho học sinh khối tiểu học (Tiền tiểu học đến Lớp 6), cấp độ 5 và 6 dành cho học sinh trung học. Theo ACARA, quá trình xây dựng năng lực liên văn hóa được chia thành 3 mảng: công nhận và tôn trọng văn hóa; tương tác và đồng cảm với người khác; so sánh đối chiếu kinh nghiệm liên văn hóa và thực hiện trách nhiệm. Ba mảng này được tiếp tục chia nhỏ hơn thành 9 năng lực thành phần cụ thể:
- Tìm hiểu các nền văn hóa và bản sắc văn hóa
- Khám phá và so sánh kiến thức văn hóa, tín ngưỡng và hành vi văn hóa
- Phát triển thái độ tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa
- Giao tiếp giữa các văn hóa khác nhau
- Phát triển góc nhìn đa chiều
- Đồng cảm
- Chiêm nghiệm về trải nghiệm đa văn hóa
- Thách thức các khuôn mẫu và định kiến
- Dung hòa sự khác biệt văn hóa
Dưới đây là ví dụ mô tả các mức độ lồng ghép 2 năng lực cụ thể (Đồng cảm và Chiêm nghiệm về trải nghiệm văn hóa) qua các khối lớp, được trích lược từ bảng hướng dẫn của ACARA [5].

Ngoài việc lồng ghép trong chương trình các môn học cụ thể, các trường học Úc cũng chú trọng phát triển năng lực liên văn hoá cho học sinh thông qua các chương trình, hoạt động ngoại khoá. Hầu hết các trường công lập của Úc đều có liên kết với trường nước ngoài để tổ chức các chương trình trao đổi quốc tế. Qua các chương trình trao đổi này, học sinh được đến những nước mà các em đang học ngôn ngữ đó để trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa bản địa. Ngoài ra nhiều trường cũng nhận tiếp đón các đoàn học sinh từ nước ngoài đến giao lưu thông qua chương trình “kết nghĩa” (sister school) để tạo cơ hội cho học sinh toàn trường được tìm hiểu, giao lưu văn hóa ngay tại nhà trường. Đặc biệt, Úc là một quốc gia đa văn hóa, vì thế một hoạt động văn hóa phổ biến được các trường phổ thông Úc tổ chức hàng năm là Ngày lễ trang phục dân tộc giúp học sinh tôn vinh nền văn hóa của bản thân, đồng thời nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa khác. Tất cả những hoạt động này đều hướng tới phát triển học sinh thành những công dân toàn cầu trong tương lai có hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa và quốc tế.
Đề xuất
Như có thể thấy từ trường hợp của Úc, ba yếu tố quan trọng của việc phát triển năng lực liên văn hóa ở cấp phổ thông bao gồm:
- Phát triển năng lực liên văn hóa được đưa thành một mục tiêu chính của chương trình phổ thông;
- Năng lực liên văn hóa được lồng ghép xuyên suốt chương trình học ở tất cả các môn học từ lớp Tiền tiểu học đến hết chương trình phổ thông bắt buộc;
- Các năng lực thành phần được đưa vào chương trình của từng khối lớp một cách nhất quán, với độ phức tạp tăng dần.
Chương trình GDPT 2018 đang tiệm cận dần với phương thức này, thể hiện ở việc năng lực hội nhập quốc tế (mà cốt lõi là kiến thức và kỹ năng liên văn hóa) đã được quy định là một trong những yêu cầu cần đạt về năng lực giao tiếp và hợp tác nhằm hội nhập quốc tế, đồng thời được mô tả tương đối cụ thể cho từng cấp học như chúng tôi đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, việc mô tả năng lực liên văn hóa cần đạt cho toàn bộ cấp học (thay vì từng khối lớp) như vậy vẫn quá trừu tượng và không mang tính định hướng rõ ràng cho giáo viên ở cấp độ thực hành, nhất là khi năng lực liên văn hóa không phải (và cũng không nên) là một môn học riêng biệt với giáo trình cụ thể.
“Năng lực liên văn hóa có nghĩa là gì, thể hiện như thế nào và nên dạy ra sao trong môn học của tôi?” chính là câu hỏi mấu chốt mà các chương trình tập huấn cần giúp giáo viên giải đáp. Có thể nói, các thay đổi và cải cách trong giáo dục một mặt mở ra các cơ hội nhưng mặt khác cũng đặt lên vai giáo viên những trách nhiệm mới, lượng công việc và áp lực mới. Việc phát triển năng lực liên văn hóa cho học sinh phổ thông đòi hỏi một sự thay đổi, cải tiến đáng kể về tư duy, cách tiếp cận cũng như các hoạt động dạy và học trên lớp. Nên chăng chúng ta nên xây dựng một “kho tài nguyên mở”, là nơi các giáo viên có thể lưu trữ, chia sẻ các sáng kiến giảng dạy và học liệu, từ đó giảm tải khối lượng công việc chuẩn bị bài cho mỗi giáo viên, lại phát huy được nguồn sức mạnh trí tuệ của cả “cộng đồng thực hành” (community of practice), và lan tỏa được cảm hứng đưa những kiến thức và kỹ năng liên văn hóa vào mỗi bài giảng. “Cộng đồng thực hành” cũng nên là nơi diễn ra các buổi tập huấn với tinh thần các giáo viên chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Ngoài ra, ở khía cạnh các hoạt động ngoại khóa, Bộ và Sở giáo dục các tỉnh thành cần thúc đẩy kết nối với các trường phổ thông ở nước ngoài, tạo cơ hội cho các hoạt động giao lưu về học thuật, văn hoá, thể thao và nghệ thuật để thông qua đó học sinh có thêm nhiều trải nghiệm liên văn hoá. Đối với nhiều trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đây không phải là một hoạt động mới nhưng nếu được nhân lên và thực hiện hiệu quả trên diện rộng sẽ tạo hiệu ứng tốt, không những nâng cao năng lực liên văn hoá cho học sinh mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới cho giáo dục phổ thông Việt Nam.