Nhiều năm nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam có việc làm thấp; các doanh nghiệp thường phàn nàn rằng sinh viên tốt nghiệp không có đủ kỹ năng và kiến thức để thích nghi với môi trường làm việc mới. Như số liệu cho thấy Hoa Kỳ thiếu khoảng 1,5 triệu lao động do người lao động không có kỹ năng để chuyển đổi công việc. Hay Ấn Độ dự báo thiếu hơn 160 triệu công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực. Các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, lãnh đạo, làm việc nhóm, đồng cảm và trí tuệ xã hội/ cảm xúc vẫn còn bị bỏ quên trong chương trình giảng dạy ở nhiều trường đại học. Hiện tượng khoảng cách kỹ năng giữa sinh viên tốt nghiệp và yêu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn này dường như là mối quan tâm toàn cầu.

Nhiều trường đại học hiện nay vẫn áp dụng một mô hình được phát triển từ hơn 100 năm trước, mô hình bắt nguồn từ nghiên cứu giảng dạy và dịch vụ công. Cách mà nhiều đại học phân chia thành các trường và khoa, cũng như nhiều trường đại học mang tính chuyên ngành riêng biệt trên toàn thế giới, cho thấy sự biệt lập của từng ngành. .
Sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được coi là một phương tiện để tăng cường đổi mới sáng tạo thông qua trao đổi kiến thức. Chủ đề này đã được nghiên cứu khá sâu trong năm khía cạnh chính. Đó là động lực, sự hình thành, tổ chức, hoạt động và kết quả, cùng nhau được tích hợp vào một khuôn khổ quy trình tổng thể của sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện có dường như chưa chú ý đầy đủ đến ảnh hưởng quan trọng của sự hợp tác này đến khả năng tuyển dụng và tạo việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Quan hệ đối tác có tầm nhìn xa giữa doanh nghiệp và trường đại học không chỉ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đưa ra các giải pháp cho những thách thức xã hội cấp bách mà còn cải thiện khả năng tuyển dụng của sinh viên. Để đạt được điều đó, các trường đại học, cụ thể là các trường đại học nghiên cứu, cần xác định lại sứ mệnh của mình là hợp tác để tạo ra lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao cho một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.
Khả năng tự tạo việc làm được hiểu là một tập hợp các kỹ năng, kiến thức và các thuộc tính cá nhân, giúp các cá nhân có việc làm và thành công hơn trong công việc mà họ đã chọn, từ đó mang lại lợi ích cho bản thân, lực lượng lao động, cộng đồng và nền kinh tế. Khả năng tự tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành một chủ đề quan trọng đối với giáo dục đại học do áp lực xã hội và sự cạnh tranh toàn cầu trong nguồn nhân lực chất lượng cao. Để trả lời vấn đề này, tôi gợi ý rằng các trường đại học nên xây dựng các chương trình đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để đào tạo sinh viên chất lượng cao hơn, đáp ứng sự phát triển nhanh của nền kinh tế nói chung, và sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ.
Để thu hút được các doanh nghiệp vào hợp tác, các trường cần xây dựng nhiều chương trình đa/liên/xuyên ngành
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp thiếu niềm tin và sự hài lòng thấp đối với các trường đại học. Lý do là vì các trường đại học thiếu các kỹ năng cần thiết để hợp tác với doanh nghiệp, cũng như chưa nhận thức được các ràng buộc trong quá trình hợp tác một cách đúng đắn.
Ngoài ra, các vấn đề của xã hội không tồn tại biệt lập. Ví dụ, biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến các khoa học tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường. Việc theo đuổi các giải pháp cho các vấn đề phức tạp ở cấp độ hệ thống đòi hỏi kiến thức chuyên môn liên ngành. Điều này trái ngược với ‘dịch vụ’ đơn ngành được cung cấp bởi nhiều trường đại học, như đã đề cập ở trên.
Gần đây của nhiều quốc gia đang khuyến khích các trường đại học phát triển mạnh mẽ hơn nữa các chương trình thực tập và làm nghề. Thêm nữa, nhu cầu tăng khả năng tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ngày càng cao từ phía sinh viên khi họ phải đầu tư một khoản tiền lớn để theo học đại học. Điều này buộc trường đại học phải phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp; phải cạnh tranh với các trường đại học và dạy nghề khác để phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp giàu sáng tạo và có trách nhiệm với xã hội.
Ngày càng nhiều các chương trình liên ngành, đa ngành và xuyên ngành được phát triển trong giáo dục đại học ở các nước tiên tiến; nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu tìm kiếm kiến thức mới nằm ở giao điểm của ranh giới ngành học truyền thống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phần nhiều tập trung vào công việc của họ hơn là nâng cao khả năng tạo việc làm cho sinh viên. Do đó, để thu hút hợp tác với doanh nghiệp, các trường đại học cần áp dụng các chương trình đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để không chỉ tạo ra tri thức mới mà còn thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp kinh nghiệm, các vấn đề thực tế cho giảng viên và sinh viên của trường, đồng thời thu hút thêm nguồn lực từ doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của chương trình đa ngành Quản lý Kinh doanh và Thiết kế Quốc tế (IDBM) của trường Kinh tế Helsinki, Đại học Nghệ thuật & Thiết kế và Đại học Công nghệ Helsinki. Chương trình này cân bằng và bổ sung các chuyên ngành về kỹ thuật, thiết kế và kinh doanh trong số các chủ đề khác (tham khảo ở trang này: www.idbm.fi). IDBM đã thách thức vai trò truyền thống của các trường đại học là truyền lại kiến thức hiện có và cung cấp câu trả lời tuyệt đối. Các nhóm đa/liên ngành của IDBM giải quyết các vấn đề của các doanh nghiệp và sản xuất, đưa ra các giải pháp sáng tạo trong suốt chương trình đào tạo và nhận được kinh phí từ doanh nghiệp. Chương trình đa/liên/xuyên ngành này không chỉ tạo ra thu nhập mà còn tăng cường đáng kể mối liên kết của đại học với hàng trăm doanh nghiệp và cung cấp đào tạo cho hàng nghìn sinh viên thông qua các dự án khác nhau, dẫn đến việc phát triển các dịch vụ và sản phẩm sáng tạo, tạo ra giá trị lớn cho các đối tác của chương trình.
Một ví dụ thành công khác là quan hệ đối tác nghiên cứu chiến lược mang tính đột phá trong việc thành lập Viện Sinh học Năng lượng (EBI) giữa tập đoàn BP, Đại học California, Berkeley, Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley và Đại học Illinois tại Urbana-Champaign nhằm phát triển thế hệ tiếp theo của nhiên liệu sinh học bền vững, và giảm tác động của biến đổi khí hậu (tham khảo tại đây: http://energybiosciencesinsinity.org/). Tập đoàn BP đã lấy đề xuất từ các nhóm đại học trên khắp thế giới để đảm bảo họ có tất cả các năng lực cần thiết cho EBI. Đại học California Berkeley nhiệt tình trong việc áp dụng phương pháp tiếp cận đa/liên ngành, dẫn đến việc EBI nhận được khoản tài trợ 500 triệu đô la từ BP. EBI đã cho phép các học giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau trở thành những nhà lãnh đạo được công nhận trong lĩnh vực đa ngành mới. Họ dần giành được nhiều tài trợ từ bên ngoài hơn, do khả năng cạnh tranh của EBI tăng lên.. Những ví dụ này là bằng chứng cho thấy sự thu hút của các trường đại học đối với các doanh nghiệp nhiều sáng tạo và đổi mới thông qua việc cung cấp các chương trình và nhóm nghiên cứu liên và xuyên ngành của họ.
Các kỹ năng mà các chương trình đào tạo liên ngành cung cấp cho sinh viên
Các doanh nghiệp có thể đưa ra những bài toán trong thế giới thực cho trường đại học để học hỏi và giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp có thể không tự giải quyết. Đây cũng là nơi mà sinh viên có thể tiếp thu kiến thức học tập nhanh hơn và sự phát triển kỹ năng của họ được hỗ trợ tốt hơn khi làm việc cho các công ty. Sinh viên có thể được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo, huấn luyện và cố vấn tại chỗ, giúp thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, tư duy hệ hống, giao tiếp, làm việc hiệu quả với những người khác, hiểu biết tốt hơn về những gì tạo nên hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, đồng thời nâng cao hiểu biết của sinh viên về trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp và cá nhân cũng như cách công nghệ và dữ liệu được sử dụng trong lĩnh vực họ đang thực tập.
Một ví dụ thành công về phát triển kỹ năng cho sinh viên đại học là sự hợp tác có tên Đánh giá và Giảng dạy Kỹ năng Thế kỷ 21 (ATC21S) giữa Microsoft, Cisco, Intel và Đại học Melbourne (tham khảo thông tin tại đây: http://atc21s.org). Đây là sự hợp tác chuyển đổi nền giáo dục cho thế kỷ 21 bằng cách tập trung vào các bộ kỹ năng quan trọng cho nền kinh tế tri thức toàn cầu, trong đó có hai bộ kỹ năng cụ thể là kỹ năng hợp tác giải quyết vấn đề và kiến thức kỹ thuật số. Sự hợp tác này nằm trong nỗ lực nghiên cứu học thuật toàn cầu trên 60 viện nghiên cứu để phát triển thành công một bộ công cụ mới (hợp tác dựa trên máy tính và giải quyết vấn đề) để đánh giá các kỹ năng nào sẽ là nền tảng của chương trình giảng dạy mới. Robin Horn, giám đốc lĩnh vực giáo dục của Ngân hàng Thế giới, nói rằng: việc đo lường các kỹ năng như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, hợp tác và làm việc nhóm, năng lực CNTT-TT và hiểu biết thông tin, một cách nghiêm túc và thực dụng, hoàn toàn nằm ngoài tầm với cho đến mấy năm gần đây. Đó là báo hiệu của một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với các tiêu chuẩn và đánh giá đào tạo cho thế kỷ 21.
Ví dụ tôi đưa phía trên về IDBM là nỗ lực tạo ra những cá nhân có thể suy nghĩ vượt ra khỏi chuyên môn của họ bởi vì những đổi mới đột phá thường được thực hiện trong các nhóm liên và đa ngành. Tương tác với doanh nghiệp trong việc sử dụng các nhóm liên ngành là một cách tiếp cận mang tính đột phá để chuyển đổi việc dạy và học. Các chương trình như vậy phát triển cho sinh viên những tư duy sáng tạo thông qua hợp tác để giải quyết vấn đề đa/xuyên/liên ngành. Ngoài ra, học tập gắn với doanh nghiệp sẽ cải thiện một loạt các kỹ năng tạo việc làm, bao gồm làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp, hiểu biết thông tin và tính chuyên nghiệp. Kinh nghiệm trong các chương trình nghiên cứu đa/liên/xuyên ngành làm cho sinh viên trở nên hấp dẫn hơn đối các doanh nghiệp, đồng thời rất hữu ích cho việc khởi nghiệp của chính họ vì họ có cơ hội học hỏi và giải quyết các vấn đề trong thế giới thực, chứ không còn là sách vở thuần túy và giáo điều.
Các phương pháp học tập chính cho các chương trình đa/liên/xuyên ngành với sự tham gia của doanh nghiệp
Để cung cấp các chương trình đa/liên/xuên ngành với sự tham gia của doanh nghiệp, các nhà giáo dục phải rất sáng tạo và đổi mới trong tư duy cũng như phương pháp dạy và học. Tôi đề xuất dưới đây một số phương pháp học tập và tư duy chính hỗ trợ các chương trình liên ngànhvới sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp giàu sáng tạo.
Học tập dựa trên việc giải quyết vấn đề
Học tập dựa trên việc giải quyết vấn đề (PBL) là một phương pháp tiếp cận lấy người học làm trung tâm trong chương trình giảng dạy để trao quyền cho sinh viên thực hiện nghiên cứu, tích hợp lý thuyết và thực hành, đồng thời áp dụng kiến thức và kỹ năng để phát triển các giải pháp khả thi cho một vấn đề được đưa ra. Trong PBL, sinh viên làm việc trong các nhóm hợp tác nhỏ và học những gì họ cần biết để giải quyết một vấn đề. Trong khi đó, giáo viên đóng vai trò là người hỗ trợ để hướng dẫn việc học của sinh viên trong trình học tập.
PBL đã được coi là một công cụ quan trọng cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Nhiều trường đại học và các chương trình đã sử dụng PBL để tích hợp nghiên cứu và phát triển chương trình giảng dạy. Một ví dụ là Phòng thí nghiệm PBL, được thành lập năm 1993 tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường tại Đại học Stanford (tham khảo tại đây: http://pbl.stanford.edu/. Sứ mệnh của nó là đào tạo lực lượng lao động thế hệ tiếp theo bằng cách thu hút sinh viên sau đại học và đại học, giảng viên và những người thực hành trong doanh nghiệp vào các hoạt động PBL liên và đa ngành, hợp tác, phân bổ theo địa lý. PBL là một quá trình dạy và học tập trung vào các hoạt động dựa trên vấn đề, lấy dự án làm trung tâm để tạo ra một sản phẩm cho khách hàng. Phòng thí nghiệm PBL đã trở thành một lớp học dựa trên dự án toàn cầu, nơi sinh viên phát triển kiến trúc xanh. Phạm vi của phòng thí nghiệm bao gồm nghiên cứu làm thế nào để công nghệ cao cấp có thể được sử dụng trong không gian làm việc ảo.
Tư duy hệ thống
Tư duy hệ thống được hiểu đơn giản là khả năng nhìn ra được bức tranh tổng thể từ những điều rời rạc; nhìn ra được tổng thể một vấn đề phức tạp trong khi bị ảnh hưởng bởi sự tương tác của nhiều yếu tố và những thay đổi có thể xảy ra bên trong hoặc bên ngoài vấn đề. Tư duy hệ thống hoạt động dựa trên năm đặc tính của hệ thống – (1) cởi mở, (2) có mục đích, (3) đa chiều, (4) tự vận động, và (5) phản trực giác. (1) Tính cởi mở đề cập đến ranh giới của hệ thống trong đó chúng ta có ít quyền kiểm soát hơn đến sự việc, nhưng nhiều ảnh hưởng hơn đến môi trường, và nhận thức được môi trường theo ngữ cảnh. Đăc tính này ngụ ý rằng không có vấn đề hoặc giải pháp nào tối ưu mà không phụ thuộc vào ngữ cảnh. Những phương pháp hay nhất (best practice) trên thực tế không tốt như mọi người thường nghĩ vì chúng chỉ hay đối với những ngữ cảnh và nền văn hóa nhất định. (2) Đặc tính có mục đích đề cập đến các khía cạnh của sự lựa chọn. Khi đưa ra quyết định, chúng thường phải lựa chọn và cân bằng giữa các yếu tố lý trí, tình cảm và văn hóa dựa trên bối cảnh mà chúng ta đang sống và làm việc. (3) Đặc tính đa chiều đề cập đến thực tế là chúng ta sống trong thế giới nhiều chiều; chúng ta phải tìm sự cân bằng để tối ưu hóa tốt nhất các nguồn lực đang ngày càng hạn hẹp. (4) Đặc tính vận động đề cập đến cách nhìn nhận bộ phận và tổng thể. Đặc tính này chỉ ra rằng điều quan trọng trong một hệ thống không phải là số lượng các hoạt động, mà chính là chất lượng của các tương tác trong mỗi hoạt động. Nói cách khác, một đội bóng đá toàn siêu sao không nhất thiết phải là đội thi đấu tốt nhất; Đội thi đấu tốt nhất là đội mà các cầu thủ có sự gắn kết cao, tương tác hiệu quả, và chia sẻ cùng tầm nhìn và mục tiêu. (5) Đặc tính phản trực giác đề cập đến thực tế là các mối quan hệ không phải lúc nào cũng tuyến tính; chúng có thể lộn ngược, lật ngược, hay phát triển theo hình xoắn ốc. Hành vi có thể trở nên tốt hơn trước khi nó trở nên xấu đi.
Tư duy hệ thống giúp hiểu sâu hơn các vấn đề phức tạp vì nó xem xét tất cả các yếu tố có thể gây ra vấn đề và các mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố. Nó giúp cá nhân và tổ chức đối phó hiệu quả với sự phức tạp và không chắc chắn trong thế giới mà chúng ta đang sống. Sinh viên (và thậm chí cả giảng viên) phải được trang bị về mặt học thuật để có hiểu biết chung về tư duy hệ thống, và cách thức hoạt động của hệ thống trước khi tiếp xúc với doanh nghiệp. Tư duy hệ thống hỗ trợ chúng ta giải quyết các vấn đề phức tạp tốt hơn và hợp tác với những người từ các ngành / quan điểm khác nhau hiệu quả hơn.
Tư duy thiết kế
Tư duy thiết kế có thể được hiểu là một quá trình đổi mới có hệ thống, đặt sự đồng cảm sâu sắc đối với mong muốn, nhu cầu và thách thức của người sử dụng lên hàng đầu để hiểu đầy đủ về một vấn đề, với hy vọng phát triển các giải pháp toàn diện và hiệu quả. De Mozota (2011) đã phát triển một bộ kỹ năng để áp dụng tư duy thiết kế vào một nền kinh tế chuyển đổi, trong đó chấp nhận rủi ro, thử nghiệm, làm việc theo nhóm, xây dựng tư duy hệ thống và tư duy cởi mở vượt qua các rào cản hiện có. Để cho bộ kỹ năng của de Mozota (2011) phù hợp hơn cho việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, tôi đã phát triển bảng dưới đây (xem Bảng 1). Để trang bị đầy đủ tư duy thiết kế cho các sinh viên, cả trường đại học và doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ vì lợi ích của tất cả các đối tác: doanh nghiệp, trường đại học và lực lượng tri thức tương lai.

Phát triển các chương trình đa/liên/xuyên ngành hợp tác với doanh nghiệp
Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những trải nghiệm trực tiếp từ việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ giúp thu hút và giữ chân sinh viên tài năng toàn cầu. Để phát triển các chương trình đa/liên/xuyên ngành, các trường đại học cần phải có những con người phù hợp. Bao nhiêu năm nay, theo truyền thống, các trường đại học khuyến khích phát triển các chuyên môn sâu vào một lĩnh vực hẹp để làm nên tên tuổi các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thời đại số thì các kiến thức chuyên ngành hẹp mà phải mất rất nhiều năm miệt mài tích lũy thì có thể trở nên lỗi thời nhanh chóng. Vấn đề quan trọng của các trường đại học là cần có những cá nhân, những cố vấn vượt qua ranh giới ngành. Họ cần các cá nhân nghiên cứu đa ngành, liên ngành và xuyên ngành; những người luôn sẵn sàng học hỏi cái mới và còn học rất nhanh. Trường đại học phải cởi mở để trao quyền cho những cá nhân như thế để mở mang kiến thức vượt khỏi ranh giới ngành bởi chúng ta cần những người xây dựng cầu nối giữa các ngành khác nhau. Đó là điểm mấu chốt. Điều này không thể tự xảy ra, nhất là trong môi trường đại học truyền thống kể trên.