Thời sự giáo dục Việt Nam và mở rộng hoạt động của AVSE Globa




Là 2 lý do quan trọng nhất mà một số thành viên nòng cốt của AVSE Global quyết định tiến hành chuỗi bàn tròn về giáo dục đương đại Việt Nam tại Paris trong hai năm 2014 và 2015. Theo Nghị Quyết 29 (NQ/TW 8 khóa XI, 2013), Việt Nam tích cực cải tổ giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện. Các dự thảo luật, các điều luật mới, hội thảo, nghiên cứu, tranh luận truyền thông xoay quanh giáo dục phổ thông và đại học liên tục diễn ra từ Nghị quyết này. Thời sự giáo dục từ Việt Nam này khiến cho giới trí thức trẻ người Việt làm việc tại Pháp quan tâm, theo dõi và muốn đóng góp quan điểm và tiếng nói của mình. Thời điểm 2013-2014, muốn mở rộng các lĩnh vực chuyên môn, vượt ra khỏi khối khoa học tự nhiên, tài chính, kỹ nghệ, công nghệ, lần đầu tiên AVSE Global kết nạp một số ít trí thức trẻ thuộc chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ý tưởng khởi thủy của nhóm thành viên này là tạo ra các sự kiện học thuật để ra mắt mạng lưới chuyên môn giáo dục và từ đó, xây dựng dần dần nhân lực cho mạng lưới. Từ bối cảnh khách quan là thời sự giáo dục Việt Nam (GDVN) cộng với mong muốn đóng góp kiến thức chuyên môn vào không khí cải cách và đàm luận, nhóm trí thức trẻ của AVSE Global quyết định gây dựng một chuỗi bàn tròn giáo dục tại Paris.
Chuỗi bàn tròn này hướng đến ba mục đích :
- Mang tinh thần học thuật đúng với bản chất hoạt động của AVSE : trao đổi, tranh luận và so sánh những đặc thù của GDVN với các quốc gia khác (đặc biệt là Âu châu).
- Mỗi bàn tròn một chủ điểm, từ đó, chúng tôi đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm cải thiện hay giải quyết hoặc thể nghiệm những cách thức làm mới.
- Tập hợp các phân tích chuyên môn của chúng tôi dưới dạng báo cáo, bài báo, bài phân tích về các chủ điểm đó.
Giáo dục Việt Nam tương quan với thế giới

Là kim chỉ nam về nội dung cho chuỗi bàn tròn này. Chúng tôi muốn định vị những chủ điểm gai góc và nóng bỏng của GDVN trong bức tranh đại cảnh của GD toàn cầu, như tự chủ đại học, quản lý phi tập trung, bất bình đẳng trong GD, sự phát triển của khối tư lập, giáo dục dạy nghề, nghiên cứu ở đại học, xã hội hóa hay tư nhân hóa GD… Chúng tôi tin chắc rằng những thực trạng này của Việt Nam cũng không xa lạ với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Điều bổ ích và hiệu quả là chúng ta đối sánh và suy ngẫm các thực trạng quốc gia để tìm ra bài học và hướng giải quyết.
Chúng tôi đã quyết định chọn ra 6 chủ đề tạo thành 6 bàn tròn tuần tự diễn ra như sau :
- Các nguyên tắc cơ bản của giáo dục Việt Nam
- Tự chủ đại học
- Nghiên cứu ở đại học
- Các trường đại học quốc tế ở Việt Nam
- Vì một môi trường đại học hiệu quả
- Đào tạo nghề và nhân công
Các bàn tròn đều diễn ra theo kịch bản như sau (kéo dài khoảng 3 tiếng). Lời mở đầu của Chủ nhiệm chuỗi bàn tròn mô tả thực trạng của chủ đề trong bối cảnh Việt Nam đồng thời đặt ra những câu hỏi quan trọng tạo tiền đề cho đàm luận về sau. Tiếp theo, các diễn giả phân tích nội dung chủ đề bàn tròn và so sánh với các quốc gia khác mà họ am hiểu và thuộc về chuyên môn của họ. Sau đó, các diễn giả cùng trao đổi đưa ra những gợi ý, đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam dựa vào các kinh nghiệm quốc tế. Cuối cùng là màn đối thoại với khán thính giả (chừng 70 người cho mỗi bàn tròn). Một điều đặc biệt khiến cuộc đối thoại luôn sôi nổi, đó là hoặc một phần các thính giả là đồng nghiệp của các diễn giả hoặc một nhóm thính giả người Pháp và Việt đã và đang hợp tác và làm việc với Việt Nam. Những hiểu biết và kinh nghiệm về giáo dục Việt Nam trong quá khứ và hiện tại giúp họ đặt những câu hỏi sâu sắc để đào sâu phần trình bày của các diễn giả.
Phương pháp tiếp cận và phân tích quan trọng nhất của các diễn giả khách mời là so sánh và đối chứng. Các diễn giả được yêu cầu phân tích tình hình Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác, so sánh định tính hay định lượng, dự đoán sự biến chuyển của chủ điểm đang bàn tới. Với lợi thế nằm tại Paris, chúng tôi quy tụ được các chuyên gia về giáo dục và đào tạo người Pháp và ngoại quốc ở những vị trí và chuyên môn khác nhau, như giám đốc hay hiệu trưởng đại học, nhà nghiên cứu, tổng thanh tra, chuyên gia, nhà tư vấn, giảng viên… Họ đến từ khối công lập và tư nhân, từ nhiều cơ sở khác nhau như Bộ Giáo dục, đại học, Trường Lớn, trường thương mại…
Hiệu ứng về Việt Nam


Chuỗi bàn tròn này được Ban tổ chức chú trọng đến việc truyền thông về Việt Nam. Trước hết, các cơ quan thường trú của báo chí và truyền thông Việt Nam tại Pháp (VOV, Thông tấn xã VN, Nhân Dân…) đưa tin mỗi sự kiện. Đặc biệt, tạp chí Perspectives, cơ quan ngôn luận của Hội Hữu nghị Pháp-Việt, cũng đưa tin về bàn tròn đầu tiên. Ban tổ chức cũng tiến hành chiến dịch truyền thông với các báo đài của Việt Nam bằng nhiều cách thức. Chủ nhiệm chuỗi bàn tròn hoặc viết bài tổng thuật, phân tích, hoặc tiến hành phỏng vấn các diễn giả khách mời, hoặc được các báo Việt Nam phỏng vấn. Tổng cộng, chúng tôi hợp tác và xuất bản được hơn 30 bài báo và phỏng vấn với các tờ Tia Sáng, Vietnamnet, Dân trí, VOV, Le Courrier du Vietnam, VietnamPlus…
Kết quả là không chỉ chuỗi bàn tròn GD tại Paris được biết đến ở Việt Nam mà hoạt động học thuật giáo dục của AVSE Global cũng được biết đến dần dần. Hữu xạ tự nhiên hương, những trí thức trẻ làm giáo dục ở Việt Nam (đặc biệt là các giảng viên đại học và nhà nghiên cứu trẻ) bắt đầu tìm đến AVSE Global. Hai năm tiếp theo, 2016 – 2017, Mạng lưới Giáo dục2 (viết tắt là EduNet), một mạng lưới chuyên môn mới trực thuộc AVSE Global, phôi thai thành hình với những thành viên đầu tiên và Mạng lưới Giáo dục chính thức ra đời vào năm 2017. Dự án đầu tiên là tổ chức hội thảo về Tự chủ đại học với Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2018. Kể từ 2020, Mạng lưới Giáo dục thiết lập diễn đàn GD thường niên mang tên Vietnam Education Symposium (VES). Năm 2021, Mạng lưới Giáo dục ấn hành cuốn sách tập thể đầu tiên về GD phổ thông với nhan đề « Giáo dục phổ thông Việt Nam : chuyển biến và sáng tạo ».
Mạng lưới Giáo dục hiện có 15 thành viên chính thức và nhiều cộng tác viên là các giáo sư, tiến sĩ và nghiên cứu sinh đến từ nhiều nước, có am hiểu sâu sắc về giáo dục Việt Nam và nhiều nền giáo dục khác trên thế giới. Tất cả tham gia trên cơ sở sự kết nối và tự nguyện của những người cùng chí hướng. Chúng tôi thực hiện các dự án nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và hội thảo khoa học về vấn đề canh tân giáo dục Việt Nam. Với một mạng lưới chuyên gia rộng khắp, thế mạnh của EduNet là cung cấp một góc nhìn độc lập, khách quan, có sự giao thoa điểm nhìn quốc tế và bản địa. Cách tiếp cận các vấn đề giáo dục và xã hội của EduNet đi theo hướng liên ngành và đa ngành nhằm đảm bảo tính hệ thống trong các giải pháp và các khuyến nghị chính sách. Định hướng phát triển EduNet gia đoạn 2020 – 2025 bao gồm :
- Nghiên cứu và xuất bản
- Đào tạo và bồi dưỡng
- Chuyển giao tri thức trên quy mô lớn
- Tư vấn chính sách và tư vấn chiến lược
Với sự đa dạng trong kinh nghiệm và quan điểm của mình, EduNet hy vọng sẽ là một luồng gió mới, góp phần vào sự đổi thay tích cực của Giáo dục Việt Nam.
