Hàn Quốc, một trong những “con rồng kinh tế” tại châu Á, đã có những bước vươn mình mạnh mẽ từ đói nghèo để trở thành một quốc gia giàu có, phát triển như thời điểm hiện tại. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, chúng ta không thể kể tới những nỗ lực không ngừng nghỉ của quốc gia này trong công cuộc đổi mới sáng tạo, sự quyết đoán trong đầu tư vào lĩnh vực R&D, … Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về sự phát triển của Hàn Quốc đi cùng với đổi mới sáng tạo!
60 năm trước, Hàn Quốc có thể là một trong những nơi cuối cùng có khu vực tư nhân phát triển mạnh. Với phần lớn người dân sống trong cảnh nghèo đói, GDP bình quân đầu người của nước này thậm chí thấp hơn Haiti, Ethiopia hoặc Yemen, khiến Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Có rất ít khu vực có điện, và ngành công nghiệp duy nhất mà đất nước này phát triển trong thời điểm này là dệt may.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại vào năm 2022, Hàn Quốc một lần nữa được xếp hạng là quốc gia có tốc độ đổi mới sáng tạo nhanh nhất thế giới, theo Chỉ số Đổi mới của Bloomberg. Trong đó, Hàn Quốc nắm giữ danh hiệu quốc gia đổi mới nhất trong sáu năm cho đến năm 2020, sau khi mất vị trí đầu bảng này vào tay Đức. Vậy, làm cách nào mà một đất nước đã từng được liệt kê trong danh sách những quốc gia nghèo nhất Thế giới này “vượt lên nghịch cảnh” và trở thành quốc gia đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo theo xu hướng toàn cầu trong vòng chưa đầy một thế kỷ?
Chính phủ tạo môi trường cho các ngành công nghiệp sản xuất trong nước phát triển mạnh
Chỉ số Đổi mới đánh giá các quốc gia dựa trên cường độ nghiên cứu và phát triển (R&D), giá trị gia tăng trong sản xuất, năng suất, mật độ công nghệ cao, hiệu quả, mức độ tập trung của nhà nghiên cứu và hoạt động bằng sáng chế. Một điều đáng chú ý là Hàn Quốc nổi bật với việc đầu tư đáng kể vào R&D và sản xuất, cả hai đều được khắc sâu trong văn hóa và quy trình của đất nước. Lee Kyung-mook, giáo sư quản lý kinh doanh tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết gần như có một thỏa thuận ngầm ở Hàn Quốc rằng “R&D là điều kiện tiên quyết và cần thiết để có thể thay đổi được tương lai của cả một dân tộc.”
Khoản đầu tư lớn đầu tiên do chính phủ Hàn Quốc đề xuất được bắt đầu từ nhiệm kỳ của tổng thống Park Chung-hee, bắt đầu vào năm 1961. Để xây dựng một đất nước thịnh vượng, Tổng thống Park đã thực hiện một kế hoạch kinh tế 5 năm tập trung vào hỗ trợ R&D. Điều này dẫn đến việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc vào năm 1966 và Bộ Khoa học và Công nghệ một năm sau đó.
Vào những năm 1970, ta có thể thấy rõ ràng rằng các khoản đầu tư của chính phủ vào R&D đã được đền đáp xứng đáng với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn như Samsung, Kia, Huyndai (hay được gọi là các ông lớn – chaebols, thế lực nắm giữ nền kinh tế và tham gia vào chính trị ở Hàn Quốc) và các trường đại học tại nước này hiện có khả năng tung ra những đổi mới thú vị, có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho hàng triệu người, cả trong và ngoài nước.
Các ngành công nghiệp Hàn Quốc xây dựng những đổi mới tạo ra thị trường
Mặc dù đáng chú ý là chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ cho R&D tại quốc gia này, nhưng điều thực sự tạo nên sự khác biệt trong việc giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo và trở thành một quốc gia đổi mới, thịnh vượng mà chúng ta biết ngày nay là cách R&D được tận dụng để thúc đẩy sự đổi mới. Trong trường hợp này, R&D được tiến hành để thúc đẩy đổi mới tạo ra thị trường—Các động lực làm cho các sản phẩm và dịch vụ phức tạp và đắt tiền trở nên đơn giản và giá cả phải chăng, để những nhóm người tiêu dùng khác nhau có khả năng tiếp cận những công nghệ mới nhất, nâng cao và cải thiện chất lượng đời sống. Để tiếp cận những nhóm người tiêu dùng mới này, nhóm người chiếm đa số trong các nền kinh tế tăng trưởng, các nhà đổi mới cần tạo ra những thị trường hoàn toàn mới. Điều đó có nghĩa là các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng, các cơ hội việc làm mới để tạo ra, tiếp thị và phân phối các sản phẩm / dịch vụ và một nguồn thu thuế bền vững mới cho chính phủ.
Ví dụ, những tiến bộ mới trong công nghệ – có được nhờ nhiều năm R&D do chính phủ tài trợ – đã cho phép Samsung dân chủ hóa truyền hình ở châu Á, nơi công nghệ này chưa được nhiều người biết đến mặc dù đã phát triển ở các thị trường khác. Mặc dù các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu rất háo hức bán các mẫu điện thoại của riêng họ tại Hàn Quốc, nhưng chính phủ Hàn Quốc đã có lựa chọn cân nhắc để hỗ trợ Samsung. Để tiếp cận những người Hàn Quốc mà đa số là người nghèo, Samsung đã tạo ra một thị trường bản địa mới cho TV đen trắng với mức giá mà người Hàn Quốc có thể chi trả được. Đến năm 1976, công ty đã đạt doanh số hơn 1 triệu chiếc tại Hàn Quốc.
Một vài điểm đáng chú ý cho các nền kinh tế tăng trưởng trong công cuộc đổi mới sáng tạo ngày nay
Ngày nay, Hàn Quốc là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới, hầu như không giống như 60 năm trước. Đối với Hàn Quốc, “công thức bí mật” cho sự tiến bộ của quốc gia này là sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, tập đoàn và các tổ chức nghiên cứu đã tạo ra một nền văn hóa phát triển mạnh về đổi mới tạo ra thị trường. Các chính phủ khác ở các nền kinh tế tăng trưởng cần lưu ý và xác định những bước họ có thể thực hiện để hỗ trợ R&D thúc đẩy việc hình thành các thị trường mới và mạnh mẽ.
Nguồn tham khảo: bài viết của Jacob Fohtung